The I Complex
*Tình cờ nghe bài chia sẻ của cô Caroline McHugh trên Youtube, Na rất ấn tượng với mô hình “The I Complex”. Nội dung này đã truyền cảm hứng cho Na làm một bức tranh theo phong cách “paper cut”, nhằm thể hiện các lớp (layers) trong mô hình.
Dưới đây là dịch tóm tắt của mình về một phần nội dung bài diễn thuyết:
Bản thể - được hình thành từ 4 “vòng tròn”
1. Perception - what everyone else think of you
Đây là hình ảnh dễ nhận thấy nhất, là phần bản thể mà bạn “trưng bày” cho thế giới xem, hay là điều mọi người nghĩ về bạn.
Sự “nghiện chấp thuận”(approval addiction) từ người khác là một trong những cản trở lớn nhất. Bạn có thể không bao giờ hoàn toàn “perceptionless” không quan tâm đến người khác nghĩ gì, nhưng điều quan trọng là trở nên “perception free” tự do khỏi sự ảnh hưởng của điều đó.
2. Persona - What you’d like them to think of you
Đây là hình ảnh bạn mong muốn. Là điều bạn muốn mọi người nghĩ về mình, là “nhân cách thích nghi” mà bạn xây dựng nên. Điều này rất độc đáo vì không ai khác trên thế giới có trải nghiệm như bạn.
3. Ego - What you think of you
Đây là cách bạn nhìn nhận chính mình. Caroline từng nhắc đến “Superiority Complex” ảo tưởng tự tôn, khi bạn nghĩ mình là người quan trọng nhất trong phòng, và “Inferiority Complex” ảo tưởng tự ti, khi bạn đánh giá mình quá thấp. Cả hai đều là biểu hiện của một cái tôi “ego” mỏng manh: một bên là ảo tưởng về sự vĩ đại, bên kia là ảo tưởng về sự tầm thường.
Suốt đời bạn sẽ tìm cách giữ sự cân bằng (equilibrium) giữa hai thái cực này, trạng thái cân bằng đó không thể bị lay động bởi bất kỳ ngoại lực nào.
“Humility is not thinking less of yourself; humility is thinking about yourself less.” - Baroness Campbell.
Ý hiểu: “Khiêm nhường không phải là nghĩ ít đi về bản thân, mà là nghĩ về bản thân ít đi.”
4. Self - just you
Cuối cùng là bản thân bạn, phần bản thể không bao giờ thay đổi. Ở đây, xin trích dẫn từ bài viết của anh Hiếu chia sẻ từ bạn Quỳnh Vũ trên Like A Tree:
“Sức khỏe, công việc, tiền bạc, các mối quan hệ không phải là những hành tinh rời rạc. Chúng chỉ là những phản chiếu khác nhau của tâm thức ra bên ngoài.”
Nhiều người thường nghĩ: “Nếu có thêm tiền bạc, địa vị, hay tình yêu… thì mọi vấn đề sẽ biến mất, và tôi sẽ hạnh phúc hơn.” Nhưng thực tế là tiền bạc, địa vị, hay các mối quan hệ bên ngoài không bao giờ thực sự thay đổi trạng thái nội tại của chúng ta. Chúng chỉ là “tấm kính” phản chiếu những gì có sẵn bên trong, đôi khi còn phóng đại những gì ta vốn có:
Nếu bên trong bạn có lòng hào phóng, sự giàu có sẽ khiến bạn cho đi nhiều hơn. Nếu bên trong là lòng tham, giàu có sẽ chỉ làm bạn thêm tham lam.
Nếu bạn đã thoải mái với bản thân, một bộ quần áo đẹp sẽ làm bạn tự tin hơn. Còn nếu bạn ghét bản thân, quần áo chỉ khiến bạn thêm bất an, mua sắm không bao giờ đủ.
Nếu bạn có hạnh phúc nội tại, khi gặp “chân ái cuộc đời”, hạnh phúc sẽ được nhân lên. Nhưng nếu đến với tình yêu từ sự cô đơn, thiếu thốn, bạn sẽ dễ thu hút người khiến bạn cảm thấy cô đơn trong mối quan hệ.
Nếu bạn có kết nối sâu sắc với người bạn đời, đứa con ra đời sẽ làm kết nối ấy thêm bền chặt. Ngược lại, nếu kết nối lỏng lẻo, con cái có thể làm gia tăng mệt mỏi và xa cách.
Trong cuốn “Đối thoại với Thượng đế”, có một đoạn mình rất tâm đắc: “Đừng lựa chọn tình dục để thay thế tình yêu, mà hãy chọn nó như cách thể hiện tình yêu. Đừng chọn quyền lực hơn người khác, mà hãy chọn quyền lực cùng người khác. Đừng chọn sự nổi tiếng là đích đến, mà là phương tiện đạt mục đích lớn hơn. Đừng chọn thành công với cái giá của người khác, mà hãy biến nó thành công cụ giúp đỡ người khác. Và đừng chọn chiến thắng bằng mọi giá, mà hãy chọn chiến thắng không làm ai mất mát, thậm chí đem lại lợi ích cho họ.”
Liệu rằng tiền bạc, danh vọng, sắc đẹp, và sự nổi tiếng có phải xấu xa? Hay chúng chỉ là phương tiện để thực hiện những điều tốt đẹp?”
Tất cả những khía cạnh bên trong mỗi chúng ta, từ hình ảnh bên ngoài, nhân cách, cái tôi đến bản ngã sâu thẳm nhất, đều đóng vai trò quan trọng trong việc hiểu rõ bản thân và hướng tới sự hoàn thiện. Hành trình này không chỉ là việc thay đổi bề ngoài hay tìm kiếm những điều kiện bên ngoài, mà là tìm về chính con người thật của mình, chấp nhận những điều còn thiếu sót, và hiểu rằng sự bình yên nội tại mới là cội nguồn của hạnh phúc. Những gì chia sẻ trên đây, không chỉ là lý thuyết, mà là những bước nhỏ để Na từng bước khám phá và trưởng thành hơn trong hành trình này.
Xin gửi lời cảm ơn chân thành đến bạn đã đồng hành cùng Na đến những dòng cuối cùng của bài viết này.
_______
Bài viết thuộc thử thách viết 30 ngày của khóa học Writing On The Net.
#wotn7